Bấm còi xe khi thấy có vật cản hay cảnh báo người/ vật đi đường là thao tác đơn giản và thường gặp khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc bấm còi ở đâu, bấm còi như thế nào đều phải được tuân thủ và thực hiện theo Luật. Lái xe có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Vậy mức phạm cho lỗi này là bao nhiêu?
Luật quy định thế nào về bấm còi xe?
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ “ô nhiễm tiếng ồn” cao nhất thế giới; và một trong những yếu tố dẫn đến “biệt danh” này chính là sự vô ý thức trong hành vi sử dụng còi xe hết sức bừa bãi và lung tung của một bộ phận không nhỏ lái xe, bao gồm cả lái xe ô tô, xe tải hay xe máy… Do đó, để hạn chế việc sử dụng còi xe một cách vô tội vạ, gây khó chịu cho người đi đường và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao (người/ vật khác có thể bị giật mình và thay đổi hướng di chuyển đột ngột), nhà nước Việt Nam đã có những điều luật quy định xử phạt hành vi này hòng răn đe và nâng cao ý thức cho các lái xe.
Cụ thể, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định nghiêm cấm đối với các hành vi: bấm còi – rú ga liên tục – bấm còi trong thời gian từ 22h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau – sử dụng, bấm còi hơi, thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự nơi công cộng – trường hợp phương tiện cố tình lắp đặt thêm hoặc thay đổi còi có âm lượng lớn hơn so với còi đúng chuẩn của xe được đăng kiểm… Lái xe vi phạm một hoặc một số hành vi được liệt kê như trên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tương ứng.
Mức phạt đối với hành vi bấm còi xe không đúng quy định
Người điều khiển phương tiện là xe ô tô nói chung khi vi phạm quy định về việc bấm còi xe sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng khi bấm còi hoặc gây ồn ào, gây tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong khu đô thị, khu vực đông dân cư từ 22h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau (trừ trường hợp là xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ)
- Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng khi điều khiển xe không có còi hoặc có còi nhưng còi không có tác dụng
- Phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng khi bấm còi, rú ga liên tục; sử dụng còi hơi trong khu đô thị, khu đông dân cư (trừ trường hợp là xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ)
- Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng khi sử dụng còi vượt quá âm lượng cho phép theo tiêu chuẩn của cơ quan đăng kiểm. Lưu ý, CSGT được quyền yêu cầu lái xe dừng xe để kiểm tra tình trạng còi xe khi nghi ngờ lái xe lắp đặt thêm hoặc thay đổi còi có âm lượng lớn hơn mức quy định.
- Trường hợp việc bấm còi hơi gây ra ảnh hưởng cho người khác như làm lạc tay lái dẫn đến tai nạn chết người hay gây thương tích nghiêm trọng từ 31% trở lên sẽ bị phạt hành chính, đồng thời có nguy cơ cao phải đối mặt với khởi tố hình sự với tội danh “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” hoặc “vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác do vi phạm quy tắc hành chính”.
Chúng tôi vừa chia sẻ các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể tương ứng để lái xe được biết. Việc tuân thủ đúng Luật và luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi lái xe khi hành nghề để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho chính bản thân và những người xung quanh. Học viên học lái xe cũng cần nắm những quy định về Luật như trên để trang bị thêm kiến thức, nêu cao ý thức lái xe khi hành nghề.